TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG MIỀN TRUNG
TIN TỨC VÀ SỰ KIỆN
NHÀ GIÁO ƯU TÚ HOÀNG VĂN TÝ: GIÁO VIÊN PHẢI BIẾT VỪA “DẠY”, VỪA “DỖ” [ 11/21 ]

Nhà giáo Ưu tú Hoàng Văn Tý: Giáo viên phải biết vừa “dạy”, vừa “dỗ”
“Tôi vẫn hay nói đùa với đồng nghiệp rằng, thầy giáo là người có trách nhiệm dạy dỗ học sinh, tức là vừa “dạy” vừa phải “dỗ”. “Dỗ” ở đây được hiểu là tạo sức lôi cuốn học sinh qua các bài giảng…” - nhà giáo ưu tú Hoàng Văn Tý, Trưởng khoa Lý luận chính trị Trường Cao đẳng Xây dựng số 3, “trải lòng” khi nói về nghề của mình.
 
ty101121.jpg 
Sinh viên Trường Cao đẳng Xây dựng số 3 chúc mừng
Nhà giáo Ưu tú Hoàng Văn Tý nhân ngày 20/11. - Ảnh: T.HẰNG
 
KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI
 
Năm 1977, sau khi tốt nghiệp trung cấp ngành Kế toán, thầy Tý về công tác tại Trường Trung học số 6 (nay là Trường Cao đẳng Xây dựng số 3). Năm 1981, thầy tiếp tục học đại học chuyên ngành Tài chính kế toán. Sau hơn 10 năm làm giảng viên dạy chuyên ngành kế toán, do nhu cầu của nhà trường, năm 1995, thầy Tý tiếp tục theo học chuyên ngành Mác – Lê nin thuộc Học viện Chính trị quốc gia TP Hồ Chí Minh. “Từ dạy kế toán chuyển sang dạy Lý luận chính trị, tuy chịu nhiều áp lực, nhưng ngày đó tôi chỉ nghĩ, đã là giáo viên thì cần phát triển một cách toàn diện, nhất là kỹ năng, tri thức và đạo đức. Nghĩ vậy nên tôi cố gắng để có những bài giảng chất lượng trước học sinh, sinh viên” - thầy Tý nói.
 
Những bài giảng chất lượng trước học sinh, sinh viên theo cách dạy của thầy Tý đó là người thầy phải tạo không khí thoải mái, hứng thú, lôi cuốn để học sinh, sinh viên luôn háo hức chờ mong những thông tin mới từ bài giảng của giáo viên. Đặc thù của môn Lý luận chính trị là “khô”, người học rất dễ chán. Để tránh tình trạng học sinh, sinh viên ngủ gật trong giờ giảng, trước khi lên lớp thầy Tý luôn chuẩn bị giáo án rất kỹ, trong đó không thể thiếu phần liên hệ với thực tiễn. Thầy Tý thổ lộ: “Giảng dạy các môn lý luận chính trị đòi hỏi giảng viên không chỉ có kiến thức rộng, đầu tư chiều sâu cho chuyên ngành mà còn phải liên hệ với thực tiễn, gắn liền lý luận với thực tiễn. Để bài giảng sinh động, giàu sức thuyết phục, tôi thường liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước, địa phương và của chính bản thân người học…”.
 
Là người thầy, ai cũng trăn trở với nghề, luôn muốn truyền đạt cho học trò những tri thức mới, những kinh nghiệm mà mình đã kinh qua. Tuy nhiên, nhiều khi cũng “lực bất tòng tâm” vì… nhiều thứ. Thầy Tý bộc bạch: “Khi người thầy thay đổi thì theo đó người học cũng cần thay đổi để cùng đạt tới đích “chất lượng”. Nhưng để làm được điều này là không hề dễ, nhất là với môn lý luận chính trị”. Thầy Tý giải thích: Ngày nay sinh viên có nhiều điều kiện thuận lợi để tích lũy các kiến thức xã hội. Nhà trường chỉ là nơi cung cấp những kiến thức cơ bản và hệ thống để từ đó có thể định hướng cho sinh viên nghiên cứu sau này. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng nêu cao tính tự học, tự nghiên cứu.
 
BIẾN QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO THÀNH TỰ ĐÀO TẠO
 
Các môn lý luận chính trị có mặt trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, vì thế, một trong những vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy Lý luận chính trị ở Trường Cao đẳng Xây dựng số 3 là người dạy phải chú trọng liên hệ với thực tiễn. Với trách nhiệm là Trưởng khoa Lý luận chính trị, thầy Tý là người “đầu tàu” chủ động suy nghĩ tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn này.
 
Thầy Tý cho biết: “Giữa các bộ môn này có quan hệ khắng khít, gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong mỗi bài giảng. Người giảng viên thực sự yêu nghề phải biết chịu khó học tập, dành tâm sức cho bài giảng. Sau hơn 15 năm gắn bó với các môn lý luận chính trị, tôi thấy không có một phương pháp dạy học nào tối ưu cho tất cả mọi người, vì dạy học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Nghĩa là bên cạnh đảm bảo nội dung, chương trình, mục tiêu đào tạo, giảng viên phải tùy theo đối tượng, tình hình cụ thể của lớp học mà có cách thức giảng dạy phù hợp. Do đó, đổi mới phương pháp giảng dạy phụ thuộc vào bản thân mỗi giảng viên chứ không chờ cấp trên nghĩ ra”.
 
Để biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, khoa Lý luận chính trị chủ động tham mưu với ban giám hiệu nhà trường đề ra những hoạt động thiết thực, bổ ích để thu hút học sinh, sinh viên như: Hội thi các môn lý luận chính trị, thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, văn hóa học đường... Thầy Tý bộc bạch: “Tôi vẫn hay nói đùa với đồng nghiệp rằng, thầy giáo là người có trách nhiệm dạy dỗ học sinh, tức là vừa dạy mà vừa phải “dỗ”. “Dỗ” ở đây là tạo sức lôi cuốn học trò qua từng bài giảng”.
 
Năm qua, các trường đại học, cao đẳng thực hiện việc sinh viên đánh giá thầy. Nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm thiếu tế nhị, đi ngược lại truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Nhưng đối với Trường Cao đẳng Xây dựng số 3, việc này đã triển khai nhiều năm nay. Thông qua sự đánh giá của sinh viên cho thấy, những giờ giảng của thầy Tý luôn được người học đánh giá cao. Thầy Tý bày tỏ: “Tôi nhận thấy việc này mang lại lợi ích cho cả hai phía. Khi nhà trường thực hiện việc sinh viên đánh giá giảng viên là tạo cho học trò có cơ hội nói lên những cảm nhận của các em về việc tổ chức giảng dạy của nhà trường, về khả năng giảng dạy của người thầy. Các thông tin thu được từ công tác này sẽ hữu ích cho cả giáo viên lẫn cán bộ quản lý, sẽ giúp cho thầy và người quản lý biết cách khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm. Ngoài ra, khi có tổ chức lấy ý kiến học trò, người thầy cũng cẩn thận hơn khi giảng dạy và sẽ dạy tốt hơn”.
 
Bốn năm nữa là đến tuổi về hưu, nhưng Nhà giáo Ưu tú Hoàng Văn Tý vẫn còn rất năng động, thầy luôn nhắc nhở các giảng viên trẻ là giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị thì phải đảm bảo tính Đảng, tính khoa học trong giảng dạy. Đổi mới gì thì đổi mới, song phải luôn luôn đảm bảo tính Đảng để định hướng, giáo dục cho học sinh, sinh viên.
MẠNH THÚY 

 Nguồn từ http://baophuyen.com.vn

 
In bài In bài này Gửi phản hồi Gửi phản hồi
Các tin khác:
 
THÔNG BÁO
 
Đọc thêm



WEBLINK
Số lượng đang online: 22
Số lượt truy cập: 0
Copyright by Trường Đại học Xây dựng Miền Trung
Điện thoại: (0257).3 821 905. Email:vodaihong@muce.edu.vn